Các điều cần chú ý sau khi đặt stent động mạch vành
Bệnh động mạch vành là do sự tích tụ của chất béo tạo ra mảng xơ vữa gây hẹp hoặc tắc nghẽn một hoặc nhiều động mạch. Triệu chứng đau hoặc khó chịu thường ở ngực, do lượng máu đến cơ tim không đủ, gọi là đau thắt ngực.
Động mạch vành khi bị tắc nghẽn hoàn toàn sẽ gây ra tình trạng nhồi máu cơ tim. Đặt stent động mạch vành là thủ thuật dùng để điều trị hẹp hoặc tắc nghẽn động mạch vành. Vì vậy, người bệnh sau khi đặt stent động mạch vành cần lưu ý những điều sau đây.
1. Cần tuân thủ sử dụng thuốc và tái khám
Sau khi đặt stent động mạch vành, người bệnh cần dùng thuốc suốt đời để ngừa cục máu đông hình thành trong stent động mạch vành. Từ đó làm giảm nguy cơ đau tim, nhồi máu cơ tim và các nguy cơ tim mạch khác.
Việc sử dụng thuốc không đủ liều lượng, uống không đúng cách đều nguy hiểm như nhau. Một trong những biến cố sau đặt stent mạch vành là huyết khối sớm xuất hiện trong vòng 24 giờ đầu sau thủ thuật, gặp cả ở người dùng stent thường hay stent phủ thuốc.
Ngoài huyết khối sớm, huyết khối muộn và tắc hẹp lại sau can thiệp động mạch vành là hai biến chứng thường gặp nhất. Trong đó, huyết khối trong stent có diễn biến nhanh nhất dẫn đến nhồi máu cơ tim, với các biểu hiện đột ngột, người bệnh đau ngực liên tục, kèm theo toát mồ hôi lạnh vùng đầu cổ. Nếu gặp phải các triệu chứng này, người bệnh cần được đưa đến bệnh viện nhanh nhất có thể.
Tuân thủ điều trị thuốc và tái khám định kỳ giúp ngăn ngừa các biến cố tim mạch thứ phát sau đặt stent.
Sử dụng thuốc chống đông lâu dài cũng đồng nghĩa với việc tăng nguy cơ xuất huyết. Do vậy, trong quá trình sử dụng nếu có dấu hiệu xuất hiện bầm tím dưới da, chảy máu chân răng, xuất huyết dạ dày, chảy máu cam, phân có màu bã cà phê... người bệnh cần phải tái khám lại để được điều chỉnh lại liều thuốc phù hợp, nhưng tuyệt đối bạn không được bỏ thuốc khi chưa xin ý kiến của bác sĩ. Bên cạnh đó, người bệnh cần tuân thủ chế độ tái khám định kì theo lịch hẹn của bác sĩ.
2. Về chế độ ăn uống
Chế độ ăn uống lành mạnh để vừa đảm bảo dinh dưỡng, vừa giúp vết thương mau lành. Người bệnh nên chú ý đến các thực phẩm giàu đạm (Protein). Nên ăn lượng vừa phải thịt nạc, thịt gà bỏ da, trứng, đậu phụ; mỗi tuần nên ăn 2 bữa có các loại cá như cá hồi, cá thu hoặc cá mòi để cung cấp cho cơ thể nhiều chất béo omega-3 có lợi cho tim.
Ngoài ra, cần tránh thịt có màu đỏ như thịt bò, thịt chó… để tránh làm tăng cholesterol và làm nặng thêm tình trạng xơ vữa mạch vành.
Với chất béo, nên sử dụng chất béo dễ tiêu (chất béo chưa bão hòa) như dầu thực vật (dầu ô liu, hướng dương, dầu cải…) hoặc các từ các loại hạt, bơ, dầu cá; hạn chế tối đa mỡ động vật, đồ ăn nhanh, da các loài động vật.
Cần bổ sung vào thực đơn nhiều trái cây tươi và rau xanh. Uống nhiều nước (trừ bệnh nhân suy tim nặng) và hạn chế chất kích thích, đồ uống có đường. Nên uống 8 – 10 ly nước mỗi ngày để tăng đào thải chất cản quang sử dụng khi can thiệp. Ngoài nước, bệnh nhân cũng nên uống sữa ít béo, sữa chua, sữa không đường hoặc tốt nhất là uống sữa đậu nành.
Cần lưu ý nấu ăn nhạt, giảm nêm muối, mắm khi chế biến, nên ăn nhạt hơn người bình thường để tránh tăng huyết áp, giảm phù.
Chế độ ăn nhiều rau xanh giúp đảm bảo sức khỏe bệnh mạch vành.
3. Đối với vận động sau khi đặt stent
Sau khi đặt stent, người bệnh vẫn có thể hoạt động bình thường. Đi lại nhẹ nhàng sau khoảng 2 ngày. Tránh vận động mạnh, ảnh hưởng đến vết mổ. Trong tuần đầu, người bệnh có thể tập đi bộ trên mặt phẳng, không nên lái xe, du lịch xa, đi xe đạp, khuân vác hoặc tham gia các hoạt động thể lực nặng. Từ tuần thứ 2, tăng dần mức thể lực trong sự thoải mái cho phép, đi bộ xa hơn một chút nhưng không nên chạy bộ.
Nếu bệnh nhân đặt stent có vết chọc mạch ở đùi: Không nên đi lại hay vận động quá nhiều. Không nâng vật nặng hơn 4,5 kg hoặc kéo đẩy các vật nặng khi làm việc trong khoảng từ 5 – 7 ngày sau thủ thuật. Không nên vận động gắng sức trong khoảng 5 ngày sau thủ thuật. Người bệnh có thể leo cầu thang sau đặt stent nhưng cần lưu ý đi chậm rãi để đảm bảo an toàn. Người bệnh nên tăng dần thời gian và cường độ các bài tập thể dục sau một tuần thực hiện thủ thuật.
Nếu bệnh nhân đặt stent có vết chọc mạch ở tay: Không sử dụng cổ tay để nâng vật nặng trên 900 gam trong vòng 24h kể từ khi đặt stent. Không vận động gắng sức tối thiểu 2 ngày sau thủ thuật. Không làm việc với các dụng cụ yêu cầu cần sự chính xác và linh hoạt của tay như lái xe, dùng các vật sắc nhọn như dao kéo… trong tối thiểu 2 ngày sau thủ thuật.
Về lâu dài bệnh nhân sau khi đặt stent hoạt động thể lực bình thường và chơi thể thao trong sự cho phép của bác sĩ.
Cách luyện tập được khuyến khích nhất: đi bộ ≥30 phút/ lần và 5 lần/ tuần.
Nếu đau ngực hoặc khó thở xuất hiện thì ngừng vận động ngay và nhanh chóng liên hệ với bác sĩ để được xử trí. Kiểm soát căng thẳng, tạo môi trường sống thoải mái, lành mạnh.
4. Đối với sinh hoạt tình dục
Người bệnh sau khi đặt stent không nên quan hệ tình dục trong 2 tuần đầu sau khi thực hiện thủ thuật. Thông thường có thể quan hệ tình dục nếu thấy thật sự khỏe mạnh, đi được khoảng 30 bậc cầu thang. Khi quan hệ tình dục nên tạo không khí ấm áp, thoải mái và giao quyền chủ động cho đối phương, không sử dụng các loại thuốc hỗ trợ tạo hưng phấn khi quan hệ tình dục khi chưa có sự chỉ định của các bác sĩ.